Chuỗi sản xuất ngành vật liệu xây dựng và bất động sản đứng tốp ba những ngành phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Saint-Gobain Việt Nam đang thực hành hiệu quả những giải pháp giảm tác động tiêu cực với môi trường.
Bài TRỌNG NAM
Saint-Gobain trích nội dung từ tạp chí Forbes tháng 7
Ngành vật liệu xây dựng lâu nay gánh chịu nhiều chỉ trích vì gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Theo báo cáo chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc, lĩnh vực xây dựng nói chung là nguyên nhân của gần 40% lượng phát thải CO2, đồng thời chiếm đến 36% tổng mức tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu. Quá trình sản xuất vật liệu đòi hỏi nguồn năng lượng lớn, khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên tự nhiên, bao gồm đá, cát, gỗ và nước, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn làm suy thoái hệ sinh thái tự nhiên.
Tầm quan trọng của việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường ngày càng tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp, đòi hỏi thay đổi phương thức sản xuất bằng những biện pháp cụ thể. Sự đổi mới công nghệ và sử dụng vật liệu tái chế là một trong những cách tiếp cận được ưu tiên. Các nhà sản xuất tìm cách tối ưu quy trình sản xuất để giảm lượng khí thải và chất thải, đồng thời phát triển xây dựng xanh, thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh thành xu hướng đáng chú ý.
Là tập đoàn dẫn đầu thị trường vật liệu xây dựng nhẹ với những sản phẩm quan trọng như tấm thạch cao, xi măng sợi, Saint-Gobain Việt Nam cũng đang phải hướng đến mục tiêu vừa duy trì tăng trưởng vừa giảm tác động tiêu cực trong quá trình kinh doanh. Trả lời Forbes Việt Nam về định hướng phát triển bền vững, ông Nguyễn Trường Hải, tổng giám đốc Saint-Gobain Việt Nam, nói: “Tiêu thụ nhiều, sản xuất nhiều thì phát thải nhiều, Saint-Gobain nỗ lực giảm tác động tiêu cực bằng cách giảm năng lượng, nguyên liệu tiêu thụ và tái sử dụng vật liệu. Đồng thời tăng tối đa các tác động tích cực bằng cách cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và giải pháp tiên tiến."
Ông Nguyễn Trường Hải CEO Saint-Gobain Việt Nam chia sẻ, tập đoàn cung cấp các giải pháp vật liệu chất lượng cao, tiên tiến để giảm phát thải và đóng góp kiến tạo công trình Xanh
Trụ sở chính đặt tại Courbevoie, Pháp, Saint-Gobain có lịch sử hơn 350 năm, là một trong các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Từ năm 1990, tập đoàn đã có mặt tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc phát triển và nâng cao chất lượng ngành vật liệu xây dựng trong nước bằng các quy chuẩn toàn cầu.
Theo CEO Nguyễn Trường Hải, Saint-Gobain Việt Nam là công ty vật liệu lớn nhất tại thị trường Việt Nam, thị phần thay đổi theo từng danh mục sản phẩm nhưng vẫn đang dẫn đầu hầu hết các mảng kinh doanh chính. Trong đó có các thương hiệu tấm thạch cao Vĩnh Tường-gyproc, keo ốp lát chống thấm Weber, tấm xi măng sợi DURAflex, cách nhiệt ISOVER... Các thương hiệu này được tập đoàn thâu tóm trong quá trình phát triển, là các miếng ghép xoay quanh triết lý của thương hiệu về tính năng mới và bền vững hơn.
“Công trình xanh phải có vật liệu xanh, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, giải pháp mới theo hướng nhẹ, bền vững và thân thiện môi trường là điều tất yếu và nó đang diễn ra tại Saint-Gobain," ông Hải nói và cho rằng Việt Nam mới đi những bước đầu tiên về vật liệu xanh – một phần của công trình xanh và xu hướng này sẽ nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.
Saint-Gobain Việt Nam dùng chính văn phòng làm nơi minh họa trực quan cho những giải pháp vật liệu xây dựng mới. Trong hơn 1.800m2 mặt sân trụ sở chính ở số 10 Mai Chí Thọ (quận 2), các phòng họp chung được thiết kế theo từng giải pháp vật liệu và đặt tên theo cảm nhận của các giác quan. Các phòng trưng bày giải pháp cách nhiệt, trần và tường tiêu cách âm, ốp tường thạch cao, giảm tính dẫn nhiệt trên các bề mặt. Thiết kế tận dụng các khung cửa để tăng cường ánh sáng tự nhiên, vừa đề cao tính thẩm mỹ vừa giảm tối đa hao phí điện năng. "Vật liệu mới nhẹ, tiện lợi giúp rút ngắn chi phi thi công, sử dụng ít vật liệu nguyên sinh có nghĩa là bền vững hơn và giảm mức phát thải cao hơn," ông Hải lý giải.
Văn phòng Saint-Gobain ứng dụng đa dạng các giải pháp vật liệu mà tập đoàn đang cung cấp nhằm kiến tạo một không gian làm việc đa tiện nghi cho thành viên công ty
Theo ông Hải, quá trình giới thiệu các loại vật liệu bền nhẹ và thân thiện, thay thế các vật liệu nguyên sinh như gỗ... sẽ diễn ra từng bước. Là đơn vị có bề dày trong ngành với cả hệ sinh thái vật liệu dưới nhiều thương hiệu, Saint-Gobain Việt Nam nắm lợi thế về những giải pháp mang tính hệ thống. Ông Hải cho biết, mỗi công trình là sự kết hợp giữa các công năng và yếu tố thẩm mỹ, bộ phận tư vấn khách hàng phải lý giải và thiết kế nên không gian thể hiện được yêu cầu riêng nhưng cũng phải đảm bảo được chức năng bằng các giải pháp mới.
Mô hình Door-to-Door (D2D) của công ty chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng tối ưu cung đường vận chuyển cho khách hàng nhằm giảm phát thải carbon. Ý tưởng giao hàng tận nơi này xuất phát từ việc quan sát hành vi khách hàng tại Việt Nam thường xuyên lấy hàng theo nhu cầu hàng hóa ngắn hạn bằng xe riêng. Saint-Gobain tiến hành đo lường, nhận thấy đa số xe cũ và thường không đủ tải, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm lớn. Họ thương lượng nhận giao hàng trực tiếp bằng xe lớn, đủ chuẩn về kích thước, được thiết kế phù hợp với nhiều loại sản phẩm, kết hợp giao nhiều điểm. Nhờ đó, hơn 2.000 tấn CO2 đã được cắt giảm trong giai đoạn từ 2021 đến tháng 5.2023 thông qua hoạt động D2D.
Ông Hải lý giải thêm: “Những giải pháp như vậy giúp tối ưu về khối lượng và kích thước trên từng chuyến hàng, giảm lượng phát thải trên toàn chuỗi cung ứng chứ không chỉ tại nhà máy sản xuất. Có như vậy mới có thể đồng bộ toàn chu trình vận hành."
Ở quy trình sản xuất, Saint-Gobain tuân thủ các mục tiêu chung về bền vững của tập đoàn toàn cầu, như giảm lượng CO2 với cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, giảm 50% lượng nước sạch tiêu thụ vào năm 2030. Saint-Gobain Việt Nam cũng tuân thủ phương thức hoạt động, đồng thời tạo ra tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực, với lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể, được theo dõi chặt chẽ qua từng năm. “Tất cả đều phải minh bạch, không thể nói chơi", ông Hải nói.
Năm 2023, Saint-Gobain Việt Nam có kế hoạch cắt giảm hơn 4.300 tấn CO2, nhưng đã hoàn thành sớm mục tiêu khi đã giảm gần 4.200 tấn CO2 tính đến hết tháng 5. Kết quả này đến từ các tiêu chuẩn về sản xuất xanh đang thực hiện như sử dụng năng lượng tái tạo, lò hơi sinh khối, tiết kiệm điện, tái sử dụng toàn bộ nước thải công nghiệp từ các nhà máy sản xuất thạch cao.
Tại các nhà máy sản xuất tăm xi măng sợi, trong năm 2023, dự kiến 11.000m3 nước thải được tái sử dụng đưa lại dây chuyền sản xuất. Mỗi năm tiếp theo các nhà máy này sẽ tái sử dụng ít nhất 7.000m3 nước, để hướng đến cam kết kép: giảm 50% lượng nước sạch sử dụng, 100% nước thải công nghiệp được tái sử dụng vào 2030 theo tập đoàn mẹ,
Song song đó là nỗ lực cắt giảm khoảng 30% nguyên liệu nguyên sinh trong quá trình sản xuất, theo phương pháp tái chế nguyên liệu thay vì chôn lấp như trước đây. Mục tiêu đến năm 2023 sử dụng được 30% vật liệu tái chế trong sản phẩm. Kết quả theo dõi thực tế công ty đo lường, việc thu hồi và tái sử dụng các loại pallet, tấm lót, đế lót, tấm thạch cao phế liệu đang đạt 40-60% chỉ tiêu năm tùy từng hạng mục.
Ông Hải chia sẻ, mỗi thị trường có những thuận lợi và thách thức trong việc thực hiện các cam kết về phát triển bền vững, tuy nhiên CEO Saint-Gobain Việt Nam bày tỏ sự lạc quan về những giải pháp năng lượng xanh sẽ được khai thông trong thời gian tới, hỗ trợ thêm chỉ số xanh của các đơn vị sản xuất. Ông Hải cùng bày tỏ về khả năng trong tương lai, tập đoàn sẽ xây dựng các mô hình nhà máy không phát thải tại Việt Nam, vốn đang là một mô hình được triển khai trước tại Na Uy. “Tất nhiên sẽ khó để chia sẻ chi tiết ở thời điểm hiện tại, nhưng đó là một trong những cam kết và kế hoạch, nằm trong chiến lược xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam sao cho hạn chế phát thải ở mức thấp nhất có thể”.
Bản quyền bài viết thuộc về tạp chí Forbes
Hình ảnh: Saint-Gobain Việt Nam